Just another free Blogger theme

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Từ xưa đến nay, trên con đường thiên lý xuyên Việt ra bắc vào nam, đèo Hải Vân luôn là một cái tên đầy ấn tượng.


Đèo Hải Vân thuộc dãy Trường Sơn, là ranh giới địa lý giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế ở phía bắc (cách 80 km) và thành phố Đà Nẵng ở phía Nam (cách 20 km). Phía Đông giáp với biển xanh mênh mông; phía Tây lại là núi non trùng điệp, đèo Hải Vân dài hơn 20 km và cao gần 500 m so với mực nước biển.

Đèo hiểm trở và cũng là đỉnh núi cuối cùng của một mạch Trường Sơn đâm ngang ra biển Đông. Từ khi đường hầm bộ xuyên đèo Hải Vân được thông xe, cung đường đèo này trở thành một điểm du lịch đầy hấp dẫn.

Du khách đến Huế hay Đà Nẵng đều thích thú khi được thong dong thưởng ngoạn cảnh đẹp trên những con đường uốn lượn quanh đèo, tận hưởng khí trời lồng lộng, từ trên cao phóng tầm mắt ra xung quanh ngắm bức tranh thiên nhiên hoành tráng.

Từ trên đèo ta có thể nhìn thấy cung đường sắt Hải Vân uốn lượn theo triền núi, nằm phía đông trục đường bộ (Quốc lộ 1), sát biển. Cung Hải Vân có độ dốc lớn, nhiều khúc quanh co với bán kính nhỏ nên khi qua đây, tàu đi với tốc độ rất chậm.

Địa hình phức tạp, độ dốc cao, đường quanh co với nhiều đoạn cua nguy hiểm, lại thêm hay sụt lở về mùa mưa, nên trước khi có hầm Hải Vân, cung đường đèo này là nỗi ám ảnh của cánh tài xế và hành khách khi ngang qua đây.

Hiện nay, phương tiện qua lại đèo Hải Vân vắng vẻ, cảnh sắc hùng vĩ, nên thơ, con đèo nổi tiếng với lịch sử hàng trăm năm tuổi là một địa điểm hấp dẫn dân du lịch bụi. Vi vu với mây và gió, chầm chậm phóng xe máy qua đèo, tận mắt ngắm nhìn cảnh đẹp nơi đây thì còn gì thú vị bằng.

Tự chạy xe máy qua những khúc cua ngoằn nghèo để tận hưởng cảm giác phiêu lưu, nghỉ chân bên đường để ngắm đất trời bao la, cảm nhận vẻ đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng.

Chạy dọc đường đèo, biển xanh sẽ luôn hiện diện trong tầm nhìn của bạn, khi gần, khi xa, xanh thẳm đến muôn trùng.

Giữa bao la mây trời, núi rừng trùng điệp, từ đỉnh núi cao cao phóng tầm mắt ra xa nhìn về phía bắc đèo thuộc địa phận Thừa Thiên - Huế, ta còn thấy được những vùng đồng bằng phì nhiêu, vịnh Lăng Cô hay dãy Bạch Mã đẹp như tranh vẽ.


Với diện tích 91,6 ha, thác Đắk G’lun tuyệt đẹp tung mình ở độ cao hơn 50m rồi được tẽ thành hai dòng nước treo lơ lững trên vách đá trông rất quyến rũ. Chiều rộng thác khoảng 15m, độ dốc: 900, chảy liên tục quanh năm, hơi nước tỏa ra trông giống như những hạt mưa phùn.

Đến với Đắk G’lun là đến với cảnh non nước hữu tình. Bên trên dòng thác là những khối đá lớn và bằng phẳng tựa những tấm thảm trải rộng. Phía dưới chân thác là những mô đá lớn nhỏ nhấp nhô với muôn vàn dáng vẻ, tựa những vũ khúc điệu đàng. Khi mặt trời lên, những bụi nước lóng lánh làm thành những chiếc cầu vồng lúc ẩn lúc hiện. Thác Đắk G’lun được bao bọc bởi hơn 1.000ha rừng đặc dụng nên hệ sinh thái ở thác rất đa dạng và phong phú. Bao bọc xung quanh thác là các loại cây có tán rộng và những bụi le rừng mát mẻ. Nơi đây còn có những bãi đất rộng và bằng phẳng để du khách cắm trại nghỉ qua đêm, hay để thưởng ngoạn mặt trời lên…Từ nhiều năm nay, dù nằm ở nơi khuất vắng, nhưng với vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng của mình, thác Đắk G’Lun đã cuốn hút và làm say lòng biết bao du khách.


Tây Nguyên nơi núi rừng hùng vĩ có các dân tộc thiểu số người Ê-đê, Ba-na, Gia-rai, M’nông sinh sống… Nơi đây bạt ngàn rừng vàng và thẳm sâu khoáng sản quý; người Tây Nguyên chủ nhân của không gian cồng chiêng, là di sản văn hoá nhân loại, được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan với nhiều thác nước tuyệt đẹp là điểm đến của du khách trong và ngoại tỉnh.

Dòng thác Lưu Ly thơ mộng dưới chân dãy núi Nam Nung hùng vĩ, du khách sẽ được cảm nhận khoảng không gian tĩnh lặng, trong xanh cùng hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ của núi rừng, tìm hiểu về nét đẹp văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên…giúp du khách thư giản sau những ngày làm việc mệt nhọc.

Từ thị xã Gia Nghĩa đi theo Quốc lộ 14 đến ngã ba cầu 20, rẽ phải, hơn 10 cây số nằm về phía Đông Bắc của xã Nâm N’Jang, du khách đã đến với khu du lịch sinh thái thác nước Lưu Ly. Tại đây, du khách được đắm chìm trong vẻ đẹp của núi rừng và nghe âm thanh thác đổ, tiếng chim rừng hót, khẽ lung lay cành lá của muôn loài chim thú ... Khung cảnh ấy chắc chắn sẽ khiến bạn quên đi tất cả mọi chuyện vướng bận của đời thường hòa mình vào cảnh đẹp của tự nhiên sinh động và diệu kỳ.

Đẹp như một bức tranh sơn thủy mà thiên nhiên ban tặng, quần thể thác Lưu Ly nằm trong Khu du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử Nâm Nung có tổng diện tích lên tới trên 5.000ha. Thác Lưu Ly là một trong số những hạng mục thuộc dự án đã được UBND tỉnh Đắk Nông xây dựng đường nhựa xuống tận chân thác, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án. Vào những dịp cuối tuần hay lễ tết, du khách có thể tới để nghỉ dưỡng hoặc tham quan.

Khởi nguồn dòng nước từ chân đỉnh núi Nâm Nung uốn lượn, những dòng chảy của thác nước len theo các khe đá tạo thành bức tranh sơn thủy hữu tình. Dòng nước từ trên cao đổ xuống như bất tận mang đến một cảm giác khó tả khi đứng trước nơi này. Bọt tung trắng xóa, dòng nước mát lạnh lại có sức lôi cuốn một cách kỳ lạ… Thác Lưu Ly đả trở nên gần gủi đối với du khách bản địa và du khách khắp mọi miền. Đỉnh thác là suối nước trong xanh, chân thác là dòng nước chảy xiếc cao trên 20m đổ xuống mặt hồ, tạo nên những bọt trắng xóa tan dần vào những mỏm đá trải dài, uốn lượn. Đến với thác Lưu Ly như lạc vào chốn cảnh quan thiên nhiên diệu kỳ hiền hòa như một người con gái, môi trường sinh thái trong lành, khám phá, chinh phục thiên nhiên hoan dã, tìm hiểu về các giá trị về lịch sử, văn hóa, các đồng bào dân tộc M’nông... Các giá trị đó được thể hiện qua những huyền thoại, truyền thuyết dân gian đầy tính nhân văn của người dân tộc bản địa và nó đang ngày càng được gìn giữ và phát triển thành điểm đến ấn tượng và khó quên đối với du khách. Ngoài ra nơi đây còn có quần thể nhiều loài thực vật, động vật phong phú, quý hiếm, đa dạng gắn liền với Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, thuyền viện Trúc lâm Đạo nguyên. Đến với thác Lưu Ly, thi sĩ sẽ dạt dào cảm xúc và nguồn cảm hứng sáng tác bất tận về đề tài thiên nhiên, sử thi và đặc điểm sinh thái nơi đây.

Cuối dòng thác là các dãy đá trải dài, dưới bóng cây rừng xanh mát hòa cùng dòng khói nước từ thác nước đỗ xuống, du khách có thể đi dọc theo dòng chảy của thác để ngắm cảnh núi rừng và cùng bên nhau ca hát, thưởng thức những ly rượu cần trên những tảng đá, du khách cũng có thể nghỉ ngơi, quây quần bên nhau trong một khung cảnh chỉ có riêng mình với thiên nhiên. Từ thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, đặc biệt sự mến khách của các dân tộc bản địa với ché rượu cần thơm ngon cùng với cơm lam dẻo thơm, du khách sẽ được thưởng thức những món ẩm thực của người dân bản địa.

Bên cạnh việc vẫn giữ nguyên hiện trạng những gì vốn có do thiên nhiên ban tặng, bằng trí tưởng tượng phong phú của mình, con người đã tái tạo, chỉnh sửa để tạo cho nơi đây trở thành một khu du lịch đúng nghĩa. Không những giúp du khách có cơ hội cảm nhận được hết vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên mà còn thấy như mình được đón tiếp, phục vụ một cách chu đáo, nhiệt tình khi đặt chân đến đây.
Để tạo niềm tin và sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước đến với Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương này đã kiên quyết loại bỏ những cơ sở kinh doanh ăn uống vi phạm quy định pháp luật; đồng thời, tăng cường bảo đảm an ninh cho du khách, cũng như giữ gìn môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp.


Các ngành chức năng TP. Vũng Tàu đã tổ chức hệ thống loa phát thanh phổ biến những quy định trong kinh doanh du lịch, kêu gọi cộng đồng thực hiện tốt các quy định pháp luật trong kinh doanh; đồng thời, lắp đặt các panô công bố hệ thống “Địa chỉ tin cậy của du lịch thành phố Vũng Tàu” và số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo các cơ quan quản lý về du lịch tại các vị trí công cộng trong khu vực trọng điểm du lịch.

Cùng với đó, thành phố Vũng Tàu đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra thường xuyên các địa chỉ “đen” bị du khách phản ánh, kết hợp xử phạt nặng các trường hợp vi phạm và rút giấy phép đăng ký kinh doanh.

Nhằm chủ động làm tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bảo đảm trật tự công cộng, đô thị và trị an tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với các huyện, thành phố trong tỉnh, tiếp tục tăng cường giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, bãi tắm; phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để những hành vi gian lận, tăng giá, "chặt chém:, đeo bám, ép khách du lịch.

Công khai số điện thoại, địa chỉ của cơ quan có thẩm quyền để du khách và nhân dân biết. Các sở như: Giao thông - Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công thương, Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công xây dựng kế hoạch giải quyết các vấn đề cụ thể, tạo chuyển biến trong việc chấn chỉnh lập lại trật tự đô thị, công cộng và trị an tại khu du lịch.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm làm đầu mối theo dõi kiểm tra, đôn đốc thực hiện chỉ thị, kịp thời kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đồng thời, đề xuất khen thưởng cá nhân, tập thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Được biết, trong những năm gần đây, công tác giáo dục, tuyên truyền những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường du lịch biển. Trong đó, có sự nỗ lực tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Một trong những việc làm thiết thực được nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhất là du lịch biển thực hiện nhằm bảo vệ môi trường là đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải đạt chuẩn. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trên địa bàn tỉnh, hiện có 188 khách sạn và resort đang hoạt động với khoảng 7.900 phòng, trong đó, hơn 50% số khách sạn, resort được xây dựng trước năm 2005, nên thiếu hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng chưa đạt quy chuẩn. Nước thải tại hầu hết các đơn vị này được thu gom, xử lý qua bể lắng, sau đó thải trực tiếp theo hệ thống nước thải đô thị chung. Một số cơ sở có diện tích rộng thì xả thải trực tiếp vào môi trường tự nhiên hay thoát ra sông, hồ.

Không chỉ đầu tư hệ thống xử lý nước thải, ngành du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn tích cực tuyên truyền, vận động ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường trong chính đội ngũ nhân viên, lao động, để từ đó lan tỏa ra cộng đồng. Ngoài các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tết trồng cây, Tuần lễ biển đảo như: Diễu hành vì môi trường, các cuộc thi tìm hiểu về biến đổi khí hậu và nguồn nước, "Tắt đèn vào giờ Trái đất"…, các đơn vị kinh doanh du lịch còn thường xuyên tổ chức những việc làm thiết thực nhằm tác động trực tiếp vào ý thức của du khách và cộng đồng như: Trồng thêm cây xanh, làm sạch bãi biển…

Hiện, thành phố Vũng Tàu đang xây dựng bộ tiêu chí chấm điểm khu du lịch đạt chuẩn, trong đó các tiêu chí về cảnh quan, gìn giữ môi trường sạch, đẹp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng đơn vị kinh doanh đối với khu vực mình quản lý, để từ đó, mỗi đơn vị sẽ có những cách làm phù hợp để thu hút du khách cùng tham gia.
Với bãi biển chạy dài gần 6 km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ, đây là nơi tắm biển rất tốt. Biển Sầm Sơn với bãi cát vàng thoai thoải, nước trong xanh và nồng độ muối vừa phải rất phù hợp với sức khoẻ con người. Đây là nơi rất lý tưởng để thực hiện các tour du lịch ngắn ngày trong dịp hè như: du lich biển sầm sơn 2 ngày.


Rặng dừa duyên dáng ven biển

Ngay từ thời Pháp thuộc, làng Núi Sầm Sơn cùng bãi biển dưới chân núi được coi là khu nghỉ mát cho các quan chức người Pháp. Sầm Sơn nhanh chóng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng của Ðông Dương, và dần dần trở thành bãi tắm lý tưởng thu hút khách du lịch thập phương. Từ nhiều thập niên trước, đã có nhiều biệt thự nghỉ mát mọc lên ở đây. Vua Bảo Ðại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng xây biệt thự riêng ở Sầm Sơn.

Thiên nhiên đã ưu ái cho vùng đất này những bãi biển kỳ thú, nên thơ. Đến với Sầm Sơn du khách sẽ được hoà mình với biển cả mênh mông soi bóng núi Trường Lệ duyên dáng; được nghe bản hoà tấu của biển và núi non với rì rào sóng vỗ bờ, với những hàng dừa xanh lao xao, những rặng phi lao vi vu trong gió, những tiếng sáo diều đánh thức trời xanh…

Biển Sầm Sơn vào mỗi thời khắc trong ngày lại có những vẻ đẹp khác nhau. Du khách tha hồ khám phá và tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời ấy. Sáng sớm bình minh lên, bầu trời ửng hồng phía chân trời, từng đoàn thuyền đánh cá của ngư dân làng Núi trở về sau một đêm đánh bắt ngoài khơi xa, những nụ cười rạng rỡ, tràn đầy hạnh phúc báo hiệu một đêm ra khơi thành công. Và chợ hải sản được họp ngay bên bờ biển, với nguồn hải sản vô cùng phong phú của biển Sầm Sơn, du khách có thể chọn lựa và thưởng thức tôm, cua, ghẹ, mực, cá thu… là những đặc sản vừa được cất lên từ biển. Khi mặt trời dần lên cao, biển Sầm Sơn lóng lánh dát vàng, từng cơn sóng vỗ bờ trắng xoá ôm lấy dải cát mịn màng ánh lên trong nắng, những cánh diều rực rỡ giữa màu xanh của bầu trời, núi non và biển cả… Buổi chiều, trời mát dịu, bãi biển tập trung rất đông người xuống tắm. Những tiếng hò reo với những cơn sóng xô, những tiếng vui đùa đuổi nhau trên cát… Du khách cũng có thể nằm phơi mình trên bãi biển, nghe những thanh âm của biển và đón những cơn gió mang theo vị mặn rất đặc trưng để tâm hồn thư thái hơn, êm dịu hơn hoặc cùng nhau xây lâu đài cát rồi lại trả nó về với biển khi những đợt sóng lên cao… Đêm Sầm Sơn, biển mờ ảo dưới ánh trăng, sao, vẫn những đợt sóng vỗ bờ nhưng dường như êm đềm hơn, vẫn là những âm thanh ấy nhưng không phải là tiếng vui đùa của du khách nhảy theo từng con sóng bạc đầu mà là những tiếng thì thầm cùng với biển và sóng…

Đêm Sầm Sơn dường như có hai thế giới trái ngược nhau được ngăn cách bởi bức tường thiên nhiên là những rặng dừa và phi lao duyên dáng. Tạm biệt biển lấp lánh ánh trăng sao, tạm biệt bản nhạc du dương của gió, của sóng…, bước qua khỏi cái hàng rào thiên nhiên ấy, du khách sẽ thấy choáng ngợp trước đường Hồ Xuân Hương dọc theo bờ biển rực rỡ ánh đèn, cửa hàng, cửa hiệu tấp nập người qua lại. Trên vỉa hè ven biển là những sạp hàng bán đồ lưu niệm được làm từ các sản phẩm biển muôn màu sắc. Du khách đến với biển Sầm Sơn hẳn không quên mang về tặng người thân, bè bạn những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa. Nếu không muốn bách bộ, du khách có thể đi dạo trên con đường ven biển với những chiếc xích lô xinh xắn mà chủ nhân của nó ai nấy đều giàu lòng mến khách, thân thiện và cởi mở. Họ sẵn lòng giới thiệu tới du khách về những thắng cảnh đẹp trên quê hương Sầm Sơn yêu dấu. Du khách cũng có thể thuê những chiếc xe đạp đôi để cùng bạn bè, người thân tự mình khám phá cuộc sống sôi động về đêm của thị xã biển Sầm Sơn.

Không chỉ có biển thơ mộng cùng bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn ban tặng cho Sầm Sơn nhiều danh lam – thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng trên núi Trường Lệ với những truyền thuyết lung linh sắc màu huyền thoại mang đậm chất nhân văn. Hòn Cổ Giải là nơi Trường Lệ tiếp xúc với biển trông như con giải khổng lồ đang vươn ra biển khơi. Ðền Ðộc Cước (còn gọi là đền Gầm) ngự trên đỉnh hòn Cổ Giải, điểm cực bắc của dãy Trường Lệ, ngay cạnh bãi tắm Sầm Sơn. Đền mang tên Độc Cước nghĩa là một chân, gắn liền với truyền thuyết chàng khổng lồ xẻ đôi mình, một nửa ra khơi tiêu diệt thủy quái bảo vệ dân chài, còn một nửa đứng canh trên đỉnh hòn Cổ Giải. Tưởng nhớ công ơn của chàng, người dân Sầm Sơn đã lập miếu thờ chàng ngay bên tảng đá có vết lõm dấu chân khổng lồ tương truyền là bàn chân của chàng và sau này là đền Độc Cước. Trong đền có tượng thần Độc Cước bằng nửa thân người và bước chân khổng lồ trên đá của chàng trai dũng cảm đó.

Để lên đền Độc Cước du khách phải qua 40 bậc đá. Đền được lập từ đời Trần, dựng lại vào thời Lê và đã qua trùng tu nhiều lần. Độc Cước không chỉ là một ngôi đền đẹp mà còn là một thắng cảnh của Sầm Sơn. Đứng ở phía sau đền, du khách sẽ được chiêm ngưỡng biển Sầm Sơn bao la và núi Trường Lệ kỳ vĩ chạy dài theo mép biển, một bức tranh thuỷ mặc tuyệt vời.

Theo sườn núi quanh co giữa những vạt thông reo là hòn Trống Mái lãng mạn tình tứ, một thắng tích độc đáo và kỳ thú. Đứng sát cạnh du khách chỉ thấy hai khối đá lớn nằm chênh vênh trên một tảng đá bằng phẳng gọi là hòn Đá Bạn. Nhưng càng lùi xa, trông chúng càng giống một đôi chim đá khổng lồ đang nằm châu mỏ vào nhau.

Kéo Rồng – vào mỗi buổi sáng của làng chài Sầm Sơn

Phía nam dãy Trường Lệ còn có một bãi tắm rất đẹp, cảnh quan môi trường còn rất nguyên sơ, đó là bãi tắm Tiên ẩn vào chỗ lùi của chân dãy Trường Lệ như một thung lũng nhỏ rất nên thơ. Nơi đây hứa hẹn một khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại trong tương lai. Trên đỉnh núi là đền Cô Tiên uy nghi, cổ kính, nơi thờ vọng Thần Độc Cước và Mẫu Liễu Hạnh. Đó là những nơi mà du khách thường tới viếng thăm mỗi khi đến Sầm Sơn.


Chú rùa trên núi Trường Lệ

Sầm Sơn với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ quả là vùng sơn thuỷ hữu tình, biển cả bao la đầy chất thơ cùng những thắng tích và huyền thoại mang đậm chất nhân văn và lòng mến khách của người dân nơi đây. Biển Sầm Sơn hứa hẹn một kỳ nghỉ hè đầy hấp dẫn và lý thú.